Có những ngày, bạn cảm thấy mình đang sống giữa hai thế giới đối lập.
Một thế giới đầy ánh sáng – nơi bạn tử tế, kiên nhẫn, hiểu chuyện, hướng đến những điều tốt đẹp.
Và một thế giới khác, có phần tăm tối hơn, nơi bạn thấy mình dễ ghen tị, dễ tổn thương, nóng nảy và đôi khi sẽ là những suy nghĩ mà bạn khó lòng kể với ai.
Bạn đã bao giờ cảm thấy sự mâu thuẫn như thế bên trong mình?
Với Animorphix chúng mình, đó không phải là “vấn đề”, mà đó chính là bản thể của một con người.
Và viết… có lẽ là một trong những cách dịu dàng nhất để ngồi xuống cùng tất cả những phần đó – để lắng nghe, trò chuyện, và rồi từ từ… ôm trọn chính mình.
Chúng ta lớn lên với rất nhiều lời nhắc về việc “hãy sống tích cực”, “hãy là phiên bản tốt đẹp nhất của mình”.
Nhưng chẳng mấy khi ai nói với ta rằng: những phần tối trong ta cũng cần được nhìn thấy, được thấu hiểu, và được yêu thương.
“Shadow” hay bóng tối bên trong – là thuật ngữ mà Carl Jung dùng để chỉ những phần của bản thân mà ta thường che giấu hoặc phủ nhận: một nỗi sợ, một cảm xúc bị dồn nén, một hành vi từng khiến ta tổn thương hoặc xấu hổ.
Chúng không phải là kẻ thù.
Chúng là những phần đã từng bị bỏ mặc và luôn trông đợi được lắng nghe.
Khi bạn ngồi xuống với một trang giấy, bạn không cần phải chứng minh gì cả. Không cần tỏ ra mạnh mẽ, không cần hợp lý hóa cảm xúc, không cần đẹp đẽ hay trọn vẹn.
Viết là nghi thức để bạn có mặt trọn vẹn với chính mình – cả phần bạn yêu, lẫn phần bạn chưa kịp hiểu.
Giữa những mâu thuẫn nội tâm – giữa điều bạn khao khát và điều bạn sợ hãi, giữa hình ảnh bạn đang sống và con người mà bạn thật sự là. Viết mở ra một không gian để bạn được là mình, một cách chân thực và đủ đầy nhất.
Chúng ta hay lướt qua những cảm xúc không “đẹp” tiêu cực – giận dữ, đố kỵ, xấu hổ, yếu đuối. Nhưng chính những cảm xúc ấy, khi được gọi tên hiểu, lại mang theo một cánh cửa mở vào phía bên trong.
Gợi ý viết:
=> Hãy viết để thật sự lắng nghe - Cho phép mình viết ra mọi điều đang hiện diện, mà không cần phải “đúng” hay "tử tế"
Mỗi cảm xúc, mỗi niềm tin, mỗi phần tối đều có gốc rễ – từ những câu nói thời thơ ấu, những trải nghiệm bị bỏ lại, hoặc từ những điều ta từng học cách xem là “đúng”.
Gợi ý viết:
=> Khi hiểu được “niềm tin” của mình đến từ đâu, ta sẽ bớt sợ hãi phần bóng tối – và bắt đầu bước về phía ánh sáng với sự rõ ràng và vững vàng hơn.
Chúng ta không cần trở thành ai khác để được yêu thương. Chúng ta chỉ cần học cách yêu thương cả những phần mà lâu nay ta từng từ chối.
Gợi ý viết:
Khi bạn bước vào hành trình viết với những câu hỏi này, hãy thực hành sự tử tế với chính mình. Ôm lấy phần bóng tối trong ta không phải là điều dễ dàng nhưng đó là bước cần thiết cho một sự chữa lành sâu sắc.
Bởi chỉ khi bạn dám nhìn vào những thiếu sót, dám chấp nhận sự không hoàn hảo của mình, bạn mới có thể từ từ tìm lại thứ sức mạnh mà mình đã vô tình đánh mất.
Viết cho chính mình từ một phiên bản trưởng thành hơn, sâu sắc hơn… như thể bạn đang trở thành người bạn mà chính bạn từng cần nhất.
Giữa những cảm xúc ngổn ngang, bức thư dường như một cách bắt đầu dễ dàng nhất. Viết một lá thư cho chính mình như thể bạn đang ngồi trước mặt “mình” của hiện tại giúp bạn chạm vào cảm xúc một cách nhẹ nhàng hơn, không cần lý giải, không cần sắp xếp.
Chỉ là nói ra, chỉ là hiện diện.
Bức thư ấy sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa bạn và phần sâu thẳm bên trong – nơi vẫn luôn chờ được thấu hiểu, được công nhận và được yêu thương vô điều kiện.
“Tôi thấy bạn đang cố gắng nhiều đến thế nào.
Tôi thấy những điều bạn không dám để ai nhìn thấy.
Nhưng bạn không cần hoàn hảo để xứng đáng được yêu thương.
Bạn luôn “đủ” – ngay cả trong những khoảnh khắc chông chênh nhất.”